Giỏ hàng

×

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Tổng 0  ₫

Xem giỏ hàngThanh toán

Các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy

Posted on Tin tức, Tin Tức 66 lượt xem

Hải sản, gỏi hoặc đồ chín tái, rau sống, trứng lòng đào... dễ bị nhiễm khuẩn, gây tiêu chảy, cần lưu ý trước khi sử dụng.

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở nhiều người. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do nhiễm trùng đường ruột khi tiêu thụ thức ăn, đồ uống nhiễm khuẩn.

Tiêu thụ một số thức ăn khó tiêu hóa cũng làm tăng lượng nước trong ruột, kích ứng niêm mạc tiêu hóa, có thể gây ra hoặc khiến tiêu chảy nặng hơn. Một số người sau khi ăn thực phẩm chứa đường sữa hoặc gluten có thể tiêu chảy, do cơ thể không dung nạp.

Dưới đây là một số loại thực phẩm có nguy cơ tiêu chảy, mọi người nên lưu ý trước khi sử dụng theo gợi ý của bác sĩ.

Hải sản, động vật có vỏ

Các loại hải sản như tôm, cua, mực... có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao. Nếu ăn nhiều những thực phẩm này, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, dễ rối loạn tiêu hóa. Động vật có vỏ như hàu, sò, ngao, trai, hến, vẹm xanh, ốc... nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, quá trình sơ chế không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể nhiễm rotavirus, dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy. Nếu hàu, sò nhiễm vi khuẩn tụ cầu, thương hàn, lỵ, tả... có thể gây bệnh tả với triệu chứng tiêu chảy, kèm sốt cao, mất nước điện giải, trụy mạch...

Theo bác sĩ Khanh, hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày không nên sử dụng. Hải sản cần tươi sống trước khi chế biến, sơ chế hợp vệ sinh và nấu chín kỹ trước để tránh ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.

Gỏi, thịt cá muối chua

Thực phẩm sống có nguồn gốc từ động vật như thịt chín tái; thịt, cá muối chua; nem chua; gỏi; sushi; sashimi... có nguy cơ cao nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Để tránh nguy cơ tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc, bạn nên sử dụng sản phẩm được nấu chín kỹ ở nhiệt độ trên 160 độ C. Nếu ăn đồ sống cần phải chế biến tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Trứng lòng đào hoặc thực phẩm chứa trứng sống

20230719_cfDwdaW2.jpg

Trứng lòng đào được nhiều người yêu thích do có hương vị thơm ngon, kích thích vị giác và mang đến nhiều lợi ích tương tự trứng chín. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, ngay cả khi trứng được lau rửa và bảo quản ở nơi sạch sẽ, không bị dập vỡ vẫn có thể chứa vi khuẩn thương hàn (salmonella).

Người nhiễm khuẩn salmonella thường bị co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Các gia đình không nên sử dụng trứng nếu vỏ bị nứt hoặc bẩn; chỉ dùng khi đã nấu chín kỹ lòng đỏ và lòng trắng; bảo quản trứng ở nhiệt độ dưới 4 độ C để đảm bảo an toàn.

Rau sống, nước ép rau củ tươi

Các loại rau củ quả trồng dưới đất hay dưới nước đều có nguy cơ cao nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Khi rau củ quả được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi hoặc gieo trồng trong môi trường đất bẩn có lẫn trứng giun sán. Môi trường đất ẩm ướt tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa như salmonella, e.coli, listeria phát triển và dễ dàng thâm nhập vào rau củ.

Người thường xuyên uống nước ép rau củ tươi, ăn salad, rau sống hoặc nhúng tái có nguy cơ cao nhiễm giun sán và các bệnh tiêu hóa khác như kiết lỵ, tiêu chảy. Ăn rau củ quả có dư lượng lớn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, chất kích thích... dễ ngộ độc, tiêu chảy.

Theo bác sĩ Khanh, các gia đình nên lựa chọn rau xanh và hoa quả ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng. Trước khi chế biến thành thực phẩm, rau củ quả cần được rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch. Các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau cần, rau ngổ, ngó sen, rau rút, rau muống nước... nên nấu chín kỹ trước khi dùng.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Một số loại đường và chất tạo ngọt nhân tạo có tác dụng nhuận tràng, chẳng hạn fructose có trong trái cây như nho, táo, đào, lê... và các loại bánh kẹo ngọt. Cơ thể chỉ tiêu hóa được một lượng fructose nhất định tại một thời điểm, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy. Một số chất tạo ngọt phổ biến như sorbitol, mannitol, xylitol và erythritol cũng gây tiêu chảy nếu tiêu thụ nhiều.

Thức ăn nhanh

Hầu hết các loại thức ăn nhanh đều chứa nhiều đường, muối hoặc dầu mỡ. Ăn nhiều chất béo trong chế độ ăn uống thúc đẩy sản xuất mật và tăng nước trong ruột non. Chất béo có đặc tính không tan trong nước nên quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn so với các chất dinh dưỡng khác. Nếu tiêu thụ nhiều có thể đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, tăng co thắt ruột, dẫn tới tiêu chảy.

Sữa và gluten

Một số người thiếu hụt enzyme lactase trong ruột non nên không thể phân hủy được đường sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa lactose. Dùng các sản phẩm như sữa bò, bơ, phô mai... đường sữa không bị phân hủy trong ruột non, không được tiêu hóa khi vào ruột già, gây đầy hơi, chướng bụng, chuột rút, tiêu chảy và buồn nôn. Người mắc bệnh celiac có hệ miễn dịch phản ứng với gluten (loại chất đạm có nhiều trong lúa mạch và lúa mì), hại ruột non, dẫn đến tiêu chảy.

Theo bác sĩ Khanh, khi bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần bù đủ nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước lọc, nước cháo loãng hoặc dung dịch oresol pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy do có thể làm cản trở quá trình đường ruột đào thải chất độc và vi khuẩn ra ngoài, khiến bệnh càng trầm trọng hơn.

Người bị tiêu chảy kéo dài hơn 48 giờ, kèm theo đau bụng dữ dội, sốt, phân có lẫn nhầy máu hoặc mất nước như lượng nước tiểu giảm, da và môi khô, tăng nhịp tim, chóng mặt... nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị.


Bình luận