Nếu bạn thấy trí nhớ bị suy giảm, có thể liên quan đến 8 căn bệnh dưới đây.
“Trí nhớ" đề cập đến quá trình lưu trữ và truy xuất thông tin trong não. Nói chung, trí nhớ của con người sẽ giảm dần theo tuổi tác. Suy giảm trí nhớ có 2 dạng: Sinh lý và bệnh lý.
Suy giảm trí nhớ sinh lý: có đặc điểm là mức độ nhẹ hơn và diễn biến chậm hơn. Dù trí nhớ có suy giảm nhưng khả năng nhận thức về thời gian, địa điểm, mối quan hệ giữa các nhân vật và môi trường xung quanh không hề suy giảm.
Suy giảm trí nhớ bệnh lý: Thường có nhiều mức khác nhau liên quan đến khả năng nhận thức.
Những căn bệnh dễ "đánh cắp" trí nhớ nhất
1. Ngáy
Nhiều người có thể ngạc nhiên, ngáy cũng ảnh hưởng đến trí nhớ?
Nguyên nhân là do ngáy khi ngủ sẽ dẫn đến giảm lưu lượng máu lên não, dẫn đến thiếu oxy và tăng CO2 máu khi ngủ, gây gián đoạn mãn tính, lâu dài sẽ tổn thương tế bào não, đặc biệt là ở thân não và tiểu não.
Thứ hai, thường xuyên tỉnh giấc, ngủ không sâu, mơ màng, sẽ dễ tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.
Ngoài ra, ngáy còn dễ gây ra các vấn đề về ngưng thở khi ngủ, dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ.
2. Trầm cảm
Khi những người trầm cảm chiến đấu với cảm giác đau khổ, não của họ có mức serotonin và norepinephrine thấp hơn, 2 chất dẫn truyền thần kinh này là chìa khóa để tăng sự tập trung và tỉnh táo.
3. Tăng huyết áp
Một nghiên cứu trên gần 20.000 người cho thấy, huyết áp cao có liên quan đến suy giảm trí nhớ ở những người trên 45 tuổi, huyết áp tâm trương quá cao có thể làm hỏng một số động mạch nhỏ trong não.
Đối với mỗi 10 mm Hg tăng huyết áp tâm trương, khả năng suy giảm trí nhớ tăng 7 phần trăm.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, so với những người cùng độ tuổi không bị huyết áp cao, những người trên 50 tuổi có huyết áp tâm thu từ 140 trở lên có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 50% so với những người không bị huyết áp cao. Tuy nhiên, khi huyết áp được hạ xuống mức bình thường, xác suất phát triển các bệnh Alzheimer này giảm xuống chỉ còn 15%.
Vì vậy, người cao tuổi cần chú ý thường xuyên theo dõi huyết áp, tránh tâm trạng thất thường, dùng thuốc hạ huyết áp theo lời khuyên của bác sĩ.
4. Thoái hóa đốt sống cổ
Nếu những người trẻ tuổi thường mắc chứng "mất trí nhớ tạm thời” thì rất có thể là do thoái hóa đốt sống cổ gây ra. Khi thoái hóa đốt sống cổ, lưu lượng máu qua cổ giảm, gây ra tình trạng cung cấp máu cho não không đủ, khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, hay quên và “mất trí nhớ tạm thời”.
5. Rối loạn đồng hồ sinh học
Sự xáo trộn của đồng hồ sinh học có thể dẫn đến mất trí nhớ.
Trong cuộc sống thực tế, nhân viên văn phòng có xu hướng thức khuya và thiếu ngủ; một số người cao tuổi dễ thức giấc do chất lượng giấc ngủ kém và ngủ chập chờn. Từ đó, dẫn đến suy giảm trí nhớ và chóng mặt, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình khởi phát của bệnh Alzheimer nếu xảy ra trong thời gian dài.
6. Suy giáp
Hormone tuyến giáp kiểm soát quá trình trao đổi chất và nếu ở mức thấp, các chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến não, điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.
7. Thiếu vitamin B12
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, vitamin B12 là một chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe của các dây thần kinh và tế bào máu, thường được tìm thấy trong thực phẩm như động vật có vỏ, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa.
Những người thiếu vitamin B12 có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, kém ăn và sụt cân và các vấn đề về trí nhớ.
Người cao tuổi có thể bổ sung vitamin B12 dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, liều lượng khuyến nghị là 2,4 microgam/ngày.
8. Suy thận
Theo quan điểm của y học Trung Quốc, nếu thận khí không đủ, động lực của khí yếu và máu không thể lên não. Máu cung cấp lên não không đủ dễ xảy ra các vấn đề như đầu óc không minh mẫn, hay quên, chóng mặt.